Đàn ông ghen có khác phụ nữ?
Người ta thường xúc xiểm tính ghen tuông của quý bà, nhưng lại ít khi nhắc đến cái ghen của quý ông. Điều ấy có phải vì các ông không biết nghen? Không đâu! Ganh hay ghen – nói một cách cho thật “triết lý sự” là phản ứng tất nhiên thuộc về bản năng khi bản ngã nhận biết rằng quyền lợi hiện hữu của cái tôi đang bị mất mát, thua thiệt bởi sự tranh giành, xâm chiếm của tác nhân khác. Trong thuật ngữ nước ngoài và cả phía Bắc nước ta thường dùng từ Ganh và từ Ghen gần giống như nhau (ganh tị, ghen tị, ganh ghét, ghen ghét, jealous, rival…) nhưng trong miền Nam người ta chia rạch ròi thành 2 nghĩa khác nhau: ganh dùng trong phạm vi thuộc quyền lợi, vật chất; còn ghen thì mang đặc nghĩa tình yêu.
Do vậy, bất luận nam hay nữ, hễ biết yêu thì hẳn phải biết ghen. Thế nhưng thông thường, phái nữ khi yêu thì sống trọn vẹn cho người mình yêu nên quý ông ít phải bận tâm ghen tuông vớ vẫn. Còn trái tim của các ông thì đa số đều “nhiều ngăn, lắm lổ” khiến quý bà phải vất vả hờn ghen. Theo các chuyên gia hôn nhân gia đình thì ở tuổi đôi mươi tỷ lệ phái nam ghen vượt hơn 70% so với phái nữ, nhưng trên tuổi 30 tỷ lệ ghen của quý ông lại hạ xuống 0,6% đối với quý bà.
Có người cho rằng đàn ông ít có “dịp” ghen, nhưng đã ghen thì “kinh dị” hơn phụ nữ nghìn lần vì họ là phái mạnh nên “đòn ghen” cũng mạnh hơn. Nói vậy không đúng. Cường độ ghen cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý: Yêu ít hay yêu nhiều. Đừng tưởng phái yếu chỉ ghen bằng những giọt nước mắt hoặc tốn hao vài chục… đôi guốc cao gót là cùng. Sai lầm! Dù yếu nhưng yêu nhiều, quý bà sẳn sàng trở thành “cô gái đồ long” để khử tình địch dù phải “xài sang” tới hàng chục lít xăng, hoặc tiết kiệm hơn: Chỉ một lon axít! Vừa qua ở nước ngoài, có bà xã “xử lý nội bộ” bằng cách biến ông chồng của mình thành “thái giám”. Đây cũng là vụ ghen nổi tiếng trên hành tinh chúng ta trong cuối kỷ nguyên 20 này.
Tuy nhiên, phân tách vi tế về hiện trạng tâm lý khi ghen thì đàn ông và phụ nữ có nhiều cái khác nhau.
1/ Cảm giác ghen: Khi ghen, phụ nữ phẩn nộ vì cảm thấy mình bị chiếm đoạt, tranh giành. Còn đàn ông thì nặng vấn đề ở chỗ người yêu mình không chung thủy.
Đối với phụ nữ, niềm tự tin của họ là sắc đẹp. Qua các thời kỳ ghen, yêu rồi tiến đến hôn nhân, chưa bao giờ họ dám cả tin vào lòng chung thủy tuyệt đối của “ông tướng nhà mình” mà chỉ mong rằng mình có đủ sức hấp dẫn để giữ chân hạnh phúc. Chạy theo chiều dài thời gian, phụ nữ sợ sự phai tàn còn hơn sợ cái chết. Vì vậy, thời trang mỹ phẩm luôn là “chiến hữu muôn đời” của quý bà, quý cô. Vì vậy, họ mãi nuôi trong lòng sự lo âu, mặc cảm. Và cũng vì vậy, khi “sự cố” xãy ra, cãm giác ghen trước tiên là so sánh giữa mình và tình địch.
Còn đàn ông dù “cái tật lớn hơn cái tuổi” họ vẫn muốn vợ mình, người yêu mình phải trọn vẹn thủy chung. Nên hẳn nhiên sẽ phát sinh lòng ích kỷ, nhưng với bản tánh chiếm hữu tuyệt đối của phái mạnh sự ích kỷ ấy được nhân lên nhiều lần. Do đó, khi họ chả cần biết “tình địch” đã quyến rũ thế nào, mà chỉ đặt vấn đề trước tiên là tại sao “nàng” lại dễ duôi để “người” quyến rũ.
2/ Đối tượng ghen: từ những ý niệm khác biệt trên, đối tượng để “đương sự” trút đòn ghen cũng khác. Khi ghen phụ nữ dồn căm thù vào “tình địch” còn đàn ông thì: “Chụp mủ phủ đầu” vào bà nội tướng của mình.
Cách đây không lâu, một vụ án ghen tuông làm kinh hàng người dân Thành phố: Chỉ vì ghen, chàng giết chết nàng rồi “tùng xẻo” thành từng mảnh đem quăng rãi khắp nơi
3/ Hạ độc thủ: Cũng không ít trường hợp đàn ông đã xuống tay hạ thủ tình địch, nhưng mục đích hạ thủ giữa quý ông và quý bà vẫn có chỗ khác nhau: Phụ nữ tiêu diệt kẻ thứ ba để “sân ga còn lại 2 người” để bảo vệ hạnh phúc, còn đàn ông tay là để rữa nhục, bỡi họ cảm thấy mình bị “tên khốn ấy” xúc phạm “xem thường”.
Từ thời xa xưa, đòn ghen của hoạn thư dù độc chỉ cốt để giữ Thúc Sinh, sử Trung quốc có chuyện Từ Hi Thái Hậu chặt hết tay chân của nàng vũ công rồi nhốt sống trong hủ sành, lâu lâu đem ra hành hạ. Đòn ghen này nghe qua lạnh xương sống! có lẽ bà hoàng muốn “dằn dặt” với tất cả cung phi mỹ nữ trong cung đó chăng? Về phía quý ông, vua quan bấy giờ sử dụng đòn ghen chẳng kém phần sắc máu, nhưng sau khi triệt tiêu kẻ tình thù, các ông “ném” luôn vợ vào lãnh cung!
4/ Thời hậu chiến: Để tái tạo lại niềm tin vui, người ta có câu nói bình dân “sau cơn mưa trời lại sáng”. Sau một “trận mưa ghen” phụ nữ dễ xuề xòa giản đơn như vậy! Nhưng với đàn ông, “cục diện thời hậu chiến” vẫn mãi tối thui, họ không muốn thắp lại dù chỉ một ngọn nến nhỏ chớ đừng nói đến chuyện “trời sáng”. Khi yêu họ luôn là người chủ động, nên khi ghen họ cũng dễ dàng chủ động chia tay. Có người cho rằng trong “thời kỳ yêu đương, phái nam yêu cuồng nhiệt hơn phái nữ nhưng khi bước vào hôn nhân. họ yêu vợ ít hơn vợ yêu chồng. Do vậy, đàn ông có thể bỏ qua lỗi lầm của người yêu chứ không tha thứ cho người vợ”.
Thật ra, xét trên lĩnh vực tinh thần, người châu á nói chung và người Việt Nam nói riêng đều đã ảnh hưỡng sâu đậm nền tảng đạo đức của Triết học phương đông. Mà ở đó phái nữ phải kham nhận quá nhiều “cái quý” để giữ gìn, còn nam giới chã có gì để cần “thủ tiết”. Ngày nay dù quan niệm trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” đã bị bước tiến hóa của thời văn minh đạp đổ, nhưng ít nhiều, người ta vẫn chưa yêu cầu nam giới cần phải giữ…tiết trinh!
Tuy nhiên, yếu tố then chốt để đảm bảo hạnh phúc vẫn muôn đời là sự chung thủy. Đó là điều thiết thực nhất mà cả vợ lẫn chồng phải gìn giữ. Đừng bao giờ để sự hờn ghen luôn hiện diện trong gia đình. Bởi: Khi sự ghen tuông ghé vào, hạnh phúc sẽ ra đi và cánh của bất hạnh sẽ rộng mở.
Related Posts
-
Thế nào là một tình bạn?
Không có bình luận | Th2 10, 2017
-
Tình yêu ở lứa tuổi 40
Không có bình luận | Th2 10, 2017
-
Cái nết đánh chết cái đẹp, hay cái đẹp đè bẹp cái nết
Không có bình luận | Th2 10, 2017
-
Ai là chủ trong gia đình
Không có bình luận | Th2 10, 2017
About The Author
megau1976
Tự kỷ như con khỉ...già.